Mạnh dạn, chịu khó, quyết tâm làm giàu trên miền đất khó, anh Giàng Mí Sùng, sinh năm 1992, thôn Tả Kha, thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn đã thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt ở ngay trên mảnh đất nghèo khó quê hương anh, hàng năm cho thu nhập hàng trăm tiệu đồng, là một trong những người tiêu biểu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên mảnh đất Cao nguyên đá Đồng Văn.
Anh Giàng Mí Sùng chăm sóc đàn lợn của gia đình |
Là người con của dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Tả Kha, thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn. Từ nhỏ anh đã thấu hiểu và cảm nhận sự vất vả của người nông dân nơi cao nguyên đá Đồng Văn, vốn được mệnh danh là miền đất khó, nơi đây thực sự là nơi khó khăn trong sản xuất nông lâm nghiệp: Bởi luôn thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất, đất ít, đá nhiều, chiếm trên 70% là đá, khí hậu rét buốt vào mùa đông, khô hanh về mùa hè, sản xuất thuần nông một vụ ngô, do vậy cuộc sống người dân nơi đây quanh năm nghèo đói, anh Sùng tâm sự: với đang độ tuổi 30, có sức khỏe, còn trẻ, không nên để lãng phí tuổi thanh xuân, với suy nghĩ phải quyết tâm làm giàu ngay khi mình còn có sức khỏe và thế là anh đã lặn lội nhiều nơi, làm đủ mọi nghề để mưu sinh, nhưng cuộc sống của anh vẫn nghèo khó. Làm thuê nơi xa xứ, xa gia đình, xa vợ con, dù làm đủ mọi việc nhưng vẫn chẳng tích lũy được đồng vốn. Sau những đêm dài suy nghĩ anh quyết tâm làm giàu ngay chính mảnh đất khó trên quê hương anh; cái khó với anh giờ trồng cây gì, nuôi con gì và lấy tiền vốn ở đâu để phát triển kinh tế, trong khi đó kiến thức, kinh nghiệm chưa có… sau khi bàn bạc với gia đình và vay mượn được ít vốn từ anh em họ hàng, bạn bè, anh bắt tay vào xây dựng được một chuồng trại nhỏ tại thôn Tả Kha, với số vốn khởi nghiệp ban đầu chỉ mấy con lợn giống.
Thời gian đầu triển khai, do thiếu vốn và chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn của anh chậm phát triển, bị dịch bệnh nên chưa có thu nhập. Có những thời điểm dịch bệnh xảy ra liên tiếp, việc chăn nuôi lợn của anh gần như mất trắng. Từng có ý định bỏ cuộc nhưng rồi được sự động viên của gia đình, và sự hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời của cán bộ khuyến nông địa phương, anh Sùng lại mạnh dạn, quyết tâm làm lại từ đầu. Năm 2020 anh mạnh dạn ra thị trấn Phố Bảng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn từ nguồn nông lâm nghiệp của huyện với số vốn 50 triệu đồng để mua 10 con lợn giống làm nái sinh sản và mở rộng thêm chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương. Để không bị thất bại như những lần trước, anh Sùng dành nhiều thời gian tự nghiêm cứu học hỏi qua trên mạng internet, qua nghe đài, ti vi, đọc thêm sách báo và sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương, trạm thú y của huyện, tích cực tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi để có kinh nghiệm.
Đến nay khu chăn nuôi của anh đã có gần 100 con lợn lớn nhỏ, trong đó có 18 con lợn nái sinh sản. Hàng năm anh cho xuất chuồng hàng trục con đến hàng trăm con lợn thịt, bên cạnh đó anh còn cung cấp lợn giống cho các xóm, xã vùng lân cận, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho những hộ gia đình xung quanh. Với mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt bước đầu đã cho thu nhập cao, đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình; sau khi trừ chi phí trong năm 2021, gia đình anh đã thu về được 180 triệu đồng, năm 2022 thu về 250 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi, sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền về Nghị quyết số 05, năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững và Nghị quyết số 15, năm 2022 của Huyện ủy Đồng Văn về phát triển vùng cây ăn quả tập trung gắn với du lịch nông nghiệp, anh đã mạnh dạn chuyển đổi số diện tích đất sấu, trồng cây lai tạp không có hiệu quả, sang trồng trên 1ha mận Tam hoa, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ cho thu hoạch.
Anh Giàng Mí Sùng chăm sóc vườn tạp theo NQ 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang |
Anh Sùng chia sẻ thêm: Để khởi nghiệp thành công trước hết phải mạnh dạn, có ý trí quyết tâm, kiên trì, không ngại khó khăn, gian khổ; đồng thời tranh thủ nguồn vốn của địa phương hỗ trợ để phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chịu khó tìm hiểu trên mạng và đọc thêm sách báo để có được kiến thức cơ bản như: việc chọn con giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng; quan trọng là phải lựa chọn được con giống thích nghi với thời tiết, khí hậu, có năng suất cao, chất lượng thịt tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng đưa vào sản xuất, loại thải ngay những con cọc, già hoặc kém chất lượng; trong chăm sóc cần có chế độ ăn cho đàn lợn phù hợp theo từng lứa tuổi, từng giai đoạn; thường xuyên thực hiện tiêu độc, khử trùng khu chăn nuôi, tiêm các loại vắc xin phòng, chống các loại dịch bệnh định kỳ cho đàn lợn để hạn chế dịch bệnh xẩy ra.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Sùng còn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể; tích cực hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm để các hộ gia đình tại địa phương cùng vươn lên thoát nghèo. Theo đó, hàng năm anh đã trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao giống lợn nái sinh sản cho hàng trăm hộ vùng lận cận. Từ khi trang trại phát triển ổn định, gia đình anh đã hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều hộ nghèo trong xóm về con giống để phát triển sản xuất vươn lên ổn định cuộc sống.
Với những cố gắng và kết quả tích cực trong sản xuất, phát triển mô hình kinh tế gia đình, năm 2022, anh được Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn tặng giấy khen thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.
Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc