Sáng ngày 4/1 Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu nhà Diên hồng, Hội trường Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Tới dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư TW Đảng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp |
Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; đồng chí Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt nam tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh, Bà Lý Thị Lan, phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang, lãnh đạo một số sở ngành, đoàn thể tỉnh, cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hà Giang.
Toàn cảnh kỳ họp tại điểm cầu trung tâm |
Điểm cầu tỉnh Hà Giang |
Phát biểu biểu khai mạc tại Kỳ họp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và công tác chuẩn bị, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, làm rõ: Cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Lưu ý bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cơ sở khoa học thực tiễn của từng chính sách sửa đổi, bổ sung; các quy định phải chặt chẽ để đảm bảo việc áp dụng pháp luật trong thực tế cũng như các điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.
Kỳ họp đã xem xét và thẩm tra tờ trình 01 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết. Gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Chiều 4/1, Kỳ họp đã tổ chức thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đa số các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết, tính cấp bách của dự thảo nghị quyết, coi đây đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Đây cũng là chính sách bổ sung, ngoài khung khuôn khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT – XH là phù hợp với chủ trương, đúng thẩm quyền. Tuy nhiên trong tổ chức thực hiện cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, xin cho, lợi ích nhóm. Đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ ngành, khi có chủ trương, quyết định của Quốc hội, sớm triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, có lộ trình thích hợp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.
Dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra trong 5 ngày từ ngày 4/01 và kết thúc vào ngày 11/01.
Văn Bính - Hải Tú
Ý kiến bạn đọc