Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Hà Giang: Năm 2020 giảm được 7.665 hộ nghèo

10:21, 15/02/2021

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, trong năm 2020, toàn tỉnh giảm được 7.665 hộ nghèo, tương đương giảm được 4,44% hộ nghèo. Bên cạnh đó, trong 5 năm, từ 2016 – 2020, toàn tỉnh ước giảm được 33.163 hộ nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% vào đầu năm 2016 xuống còn 22,29% vào cuối năm 2020. Trong đó, riêng 6 huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% vào đầu năm 2016 xuống còn 33,51% vào cuối năm 2020 (giảm 30,52% so với đầu năm 2016), bình quân tỷ lệ hộ nghèo tại 6 huyện 30a, mỗi năm giảm 6,1%.

Giờ thực hành của lớp nhận biết và phòng trừ sâu bệnh hại cam tại xã Trung Thành, Vị Xuyên

Trong 5 năm, Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020 đã được Nhà nước hỗ trợ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội được 8.225.928 triệu đồng. Cũng trong 5 năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng 52,6%/55%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 42,8%/45%.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, nhưng số hộ nghèo mới phát sinh còn cao, mỗi năm tỉnh phải cứu đói bình quân khoảng trên 6.000 hộ, chủ yếu ở 6 huyện 30a. Riêng đối với quá trình thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ  giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 6 huyện 30a với tổng kinh phí thực hiện là 17.661,2 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai và thực hiện chương trình giảm nghèo, các ban ngành chuyên môn của tỉnh, các huyện, các xã đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, phân bổ nguồn kinh phí và cùng phối hợp triển khai thực hiện, giám sát quá trình thực hiện các chính sách theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến người nghèo và hộ nghèo.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, tỉnh Hà Giang cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Nguồn ngân sách của Trung ương giao cho tỉnh còn hạn chế nên việc phân bổ và giao chỉ tiêu về nguồn vốn cho các Chương trình không được đảm bảo theo yêu cầu; trong khi đó, nguồn ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng nhu cầu về vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lại khá lớn. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi phục vụ cho công tác giảm nghèo chỉ đạt được ở qui mô trình diễn nhưng khả năng nhân rộng còn hạn chế. Ngoài ra, số hộ nghèo mới phát sinh trong giai đoạn 2016 – 2020 còn cao do thiên tai, dịch bệnh…

Từ thực tiễn đó, UBND tỉnh Hà Giang đã đề ra mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 theo cách tiếp cận đa chiều, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo. Đối với các hộ đã thoát nghèo, ngoài đạt chuẩn thu nhập theo qui định của Chính phủ cần phải tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; đảm bảo thu nhập của người nghèo và hộ nghèo tăng lên 2 lần so với cuối năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và đạt hiệu quả, các ban ngành chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân về các tiêu chí tiếp cận đa chiều; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ  nghèo nhanh và bền vững; kêu gọi người dân không trông chờ ỷ lại vào Đảng và Nhà nước mà cần nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và xã hội cần chủ trì, phối hợp với các ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện ngay kế hoạch và nội dung giảm nghèo bền vững; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nghèo ở địa phương; phân công các doanh nghiệp và các đơn vị giúp đỡ hộ nghèo; nhất là các hộ chính sách đang gặp khó khăn về vốn sản xuất…

                                                                        Phạm Văn Phú

                                                         (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang)

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc