Thanh Vân là một xã vùng cao của huyện Quản Bạ. Do điều kiện đất canh tác ít, chủ yếu là đồi núi cao; bên cạnh đó, nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để phát triển kinh tế, Thanh Vân phải dựa vào phát triển chăn nuôi, mà chủ yếu là chăn nuôi gia súc hàng hóa gắn với trồng cỏ.
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ của hộ gia đình xã Thanh Vân |
Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của dịa phương, Đảng bộ và chính quyền xã Thanh Vân đã xây dựng định hướng trong phát triển chăn nuôi bằng việc phát huy lợi thế của các thôn, lấy mô hình chăn nuôi tiêu biểu, có hiệu quả của các hộ gia đình làm mô hình điểm để nhân lên thành các nhóm hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại. Nổi bật trong phong trào phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Thanh Vân là các thôn Thanh Long, Lùng Cúng, Mã Hồng…Cùng với sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của các phòng ban chuyên môn như phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện trong việc tuyên truyền vận động người dân tích cực chuyển đổi diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, tăng cường mở các lớp tập huấn về phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, công tác chế biến và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông…đã khuyến khích và là cơ sở để giúp người dân trong xã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá. Tính đến thời điểm cuối quý I/2021, toàn xã Thanh Vân đã có 796 con trâu, bò, trong đó đàn trâu là 265 con, đàn bò là 531 con; đàn dê, ngựa có 310 con… và trên 350 ha cỏ chăn nuôi, chủ yếu là cỏ VA 06 và cỏ voi.
Người dân xã Thanh Vân mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc |
Chính nhờ đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá mà nhiều gia đình ở xã Thanh Vân đã nâng cao nguồn thu nhập và đã có tích lũy từ chăn nuôi gia súc. Điển hình như hộ gia đình anh Lý Sèo Phù, dân tộc Mông, thôn Mã Hồng đã có thu nhập bình quân mỗi năm từ 90 – 110 triệu đồng từ chăn nuôi trâu, bò hàng hoá; anh Phù cho biết: Trước kia gia đình chỉ có nguồn thu từ cây ngô và ít diện tích cấy lúa một vụ nên thường bị thiếu ăn khi giáp vụ, từ năm 2017 được Nhà nước hỗ trợ về vốn và chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc nên gia đình đã chuyển đổi gần 1,0 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ và đầu tư mua thêm giống trâu, bò về nuôi. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, gia đình đã có nguồn thu nhập cao do chăn nuôi trâu, bò mang lại. Bên cạnh gia đình anh Phù, còn khá nhiều gia đình ở xã Thanh Vân có nguồn thu nhập từ 80 – 90 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi gia súc mang lại.
Anh Giàng Mí Mua, Chủ tịch UBND xã Thanh Vân cho biết: Xuất phát từ điều kiện thực tiễn, trong những năm qua, chính quyền xã Thanh Vân đã chỉ đạo người dân mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Nhờ đó, nhiều gia đình của xã đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ những kết quả đạt được, chính quyền xã sẽ tiếp tục chỉ đạo người dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc hàng hoá theo qui mô hộ và nhóm hộ gia đình ở các thôn có lợi thế về trồng cỏ nhằm không ngừng nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững.
Phạm Văn Phú
(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)
Ý kiến bạn đọc