Vải lanh sản phẩm mang giá trị văn hóa đã tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc Mông từ hàng nghìn đời này. Hiện nay nghề làm vải lanh không còn đơn thuần phục vụ sinh hoạt hàng ngày mà nó đã trở thành sản phẩm xóa nghèo, từng bước làm giầu cho người dân địa phương.
Bà Vừ Thị Chúa thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ tham gia lao động và trở thành thành viên của Hợp tác xã dệt lanh Cán Tỷ có công việc và thu nhập ổn định |
Là một trong những hộ nghèo của thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ, bà Vừ Thị Chúa đã tham gia lao động và trở thành thành viên của Hợp tác xã dệt lanh Cán Tỷ ngay từ những ngày đầu thành lập. Theo bà Chúa thì những người phụ nữ dân tộc Mông nơi đây ai cũng biết se lanh, dệt vải. Do vậy nghề se lanh dệt vải đã trở thành nghề truyền thống của đồng bào. Tham gia vào hợp tác xã bà Chúa có công việc ổn định, có thu nhập nên bà yên tâm gắn bó với nghề mình đang làm.
HTX dệt lanh Cán Tỷ có doanh thu mỗi năm đạt từ 500 – 700 triệu đồng |
Tháng 10 năm 2010, HTX dệt lanh Cán Tỷ chính thức được thành lập với 10 xã viên. Đến nay sau 15 năm thành lập, số xã viên của HTX đã tăng lên 23 xã viên. Các sản phẩm của HTX là váy áo, khăn, chăn, gối, thảm, ví thổ cẩm, áo nam, túi, xắc, túi điện thoại. Hiện nay, HTX đã sản xuất được trên 35 loại sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Ngoài thị trường trong nước, hiện nay sản phẩm của HTX đã bán ở các thị trường Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản. Doanh thu mỗi năm đạt từ 500 – 700 triệu đồng.
Du khách đến với HTX Dệt lanh Cán Tỷ ngoài mục đích tham quan, còn được cảm nhận sự bền bỉ, kiên trì, sáng tạo được kết tinh vào các sản phẩm |
Hiện tại HTX Dệt lanh Cán Tỷ không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất các sản phẩm thủ công bán ra thị trường mà còn là môi trường lưu giữ tinh hoa nghệ thuật, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Du khách đến với HTX Dệt lanh Cán Tỷ ngoài mục đích tham quan, còn được cảm nhận sự bền bỉ, kiên trì, sáng tạo được kết tinh vào các sản phẩm./.
Trường Giang – Văn Bính
Ý kiến bạn đọc