Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Yên Minh: Hiệu quả mô hình sản xuất, chế biến chè ở xã Ngam La

23:16, 12/06/2024

Từ nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Yên Minh đã triển khai thực hiện “Dự án hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số” với mô hình sản xuất và chế biến chè Ngam La. Mục tiêu từng bước đưa cây chè shan tuyết trở thành 1 loại cây trồng thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và giúp người dân giảm nghèo bền vững từ cây chè shan tuyết.

 

Anh Cháng A Nghe là một trong những hộ dân thực hiện mô hình sản xuất và chế biến chè ở  Ngam La

Xã Ngam La là địa bàn có diện tích chè lớn nhất, lâu năm nhất của huyện Yên Minh

Tháng 4, tháng 5 và kéo dài sang cả tháng 6 dương lịch hàng năm là thời điểm chính vụ thu hoạch chè Xuân, đây cũng là vụ chè có thời gian thu hoạch dài nhất và sản lượng lớn nhất trong năm bởi vậy mà xưởng chế biến chè của nhà anh Nghe lúc nào cũng đông vui. Vào thời điểm chính vụ, xưởng chè của anh Nghe phải thuê khoảng từ 6-8 lao động tại địa phương.

Người dân chú trọng xây dựng được thương hiệu cho cây chè Ngam La

Xã Ngam La có tiềm năng rất lớn để phát triển cây chè, bởi đây là địa bàn có diện tích chè lớn nhất, lâu năm nhất của huyện Yên Minh. Theo số liệu thống kê của UBND xã Ngam La, hiện trên địa bàn xã có tổng số 143 ha chè shan tuyết, trong đó có 42ha chè cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm. Diện tích chè cổ thụ tập trung nhiều nhất là tại các thôn Sa Lỳ, Nà Làu, Ngam La…Nếu được chăm sóc tốt và có những chính sách đầu tư kịp thời hiệu quả chắc chắn cây chè sẽ là một trong những cây trồng thế mạnh giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Yên Minh từng bước đưa cây chè shan tuyết trở thành một loại cây trồng thế mạnh của địa phương

Để cây chè thực sự trở thành cây trồng thế mạnh của xã, xây dựng được thương hiệu cho cây chè Ngam La trên thị trường thì cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách và định hướng phát triển cụ thế cùng với đó là dành các nguồn lực đầu tư phù hợp, trước hết chính quyền địa phương cần tập trung đẩy mạnh việc tập huấn chuyển giao KHKT cho người dân trong các khâu trồng, chăm sóc và chế biến chè theo đúng quy trình sản xuất chè hữu cơ để từ đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Bản thân người nông dân, các HTX, cơ sở sản xuất chế biến chè chủ động trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và cải tiến dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, ngày càng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, có như vậy thì thời gian tới chè Ngam La mới có thể vươn cao và vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài tỉnh./.

Văn Thao – Hồng Quang


Ý kiến bạn đọc