Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang tập trung triển khai mạnh mẽ và quyết liệt chương trình chuyển đổi số một cách toàn diện ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong Kinh tế số, ưu tiên trước hết cho việc hỗ trợ người dân đưa các sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử.
Hỗ trợ các hợp tác xã trong chuyển đổi số |
Kinh tế số, thương mại điện tử không còn là khái niệm quá xa lạ hiện nay. Tuy nhiên, với nhiều người dân, nhất là người dân trên địa bàn tỉnh thì nhận thức về những vấn đề này cũng còn nhiều hạn chế. Thậm chí, ngay cả với các tổ chức kinh tế như Hợp tác xã, tổ hợp tác hay nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chưa tận dụng được ưu thế, lợi thế của nó. Và để người dân, người quản trị các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận chuyển đổi số thì việc tập huấn, nâng cao nhận thức là điều cần thiết.
Các hợp tác xã từng bước chuyển đổi phương thức bán hàng, bán sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại |
Để giúp doanh nghiệp, người quản trị các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận và tham gia kinh tế số, nhất là việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã triển khai tập huấn các nội dung cơ bản, như: Hướng dẫn quy trình các bước tiến hành đăng ký tài khoản, cập nhật thông tin sản phẩm, hàng hóa lên cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm, đăng nhập tin mua, bán và đăng ký logistics.
Tăng cường kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay và khi Chính phủ đã chủ trương chung sống an toàn với dịch để quyết liệt, đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế, việc các hợp tác xã, tổ hợp tác được tiếp cận, tham gia vào kinh tế số là điều rất tốt. Vừa từng bước chuyển đổi phương thức bán hàng, bán sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại, vừa nâng cao giá trị bởi tham gia nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, để sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hoặc bán hàng trên các nền tảng số khác thì bản thân các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và bán sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp.
Để người dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh thực sự hội nhập vào nền kinh tế số còn rất nhiều điều cần phải làm. Song với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng cường kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, quảng bá, giới thiệu, cung cầu vật tư, sản phẩm, dịch vụ, hợp tác đầu tư, trao đổi thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng, xã hội.
Văn Bính- Thanh Giang
Ý kiến bạn đọc