Đài Phát thanh và Truyền hình Hà giang
  • Hà Giang
    oC

Năm Sửu nói chuyện nuôi trâu hàng hóa

12:14, 18/02/2021

Từ xa xưa, trâu luôn là con vật thân thiết, gắn bó với người nông dân Việt Nam trong cuộc sống cũng như lao động sản xuất, và giữ vai trò quan trọng trong nền sản xuất nông nghiệp trước đây, bởi thế mới có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Cùng với sự phát triển của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, tại tỉnh Hà Giang trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây người nông dân đã không còn nuôi trâu để sử dụng làm sức kéo trong sản xuất nông nghiệp. Giờ đây nuôi trâu là để phát triển kịnh tế gia đình, và vươn lên làm giàu.

Hết năm 2020 tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh là 162.286 con

Năm nay đã gần 80 tuổi thế nhưng ông Vàng Lao Thỉn, ở thôn Lùng Vai xã Cốc Rế huyện Xín Mần vẫn rất hào hứng khi nói về chuyện nuôi trâu của gia đình. Từng con trâu, ngày giờ nào mua về, béo gầy ra sao, rồi được mua ở đâu và khi nào ông đều nhớ rất rõ. Ông chia sẻ, từ trước đến giờ người dân ở thôn Lùng Vai này phát triển kinh tế gia đình cũng chỉ xoay quanh cây lúa, cây ngô ngoài ra cũng chẳng làm thêm được gì. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình ông và một số hộ dân trong thôn đã mạnh dạn vay nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để nuôi trâu theo mô hình nuôi trâu vỗ béo. Hiện tại gia đình ông nuôi 8 con trâu, mỗi năm cũng xuất bán ra thị trường được 2 lứa trâu khoảng trên dưới chục con, trừ chi phí cũng thu lãi từ 70 đến 80 triệu đồng.

Một số huyện đã hình thành các chợ buôn bán gia súc lớn

Theo báo cáo của sở NN&PTNT tính hết năm 2020 tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh là 162.286 con, mặc dù tổng đàn không tăng nhưng giá trị kinh tế lại tăng so với những năm trước do số lượng đàn trâu luân chuyển tăng, tại một số huyện đã hình thành các chợ buôn bán gia súc lớn, trong đó số lượng trâu được mang đến mỗi phiên chợ để bán và trao đổi nhiều là tại các chợ xã Khuôn Lùng, chợ thị trấn Cốc Pài huyện Xín Mần; chợ Tân Nam huyện Quang Bình, chợ thị trấn Mèo Vạc huyện Mèo Vạc…. 

Trong thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, tỉnh ta cũng xác định đẩy mạnh phát triển chăn nuôi được coi là thế mạnh của nền nông nghiệp, phấn đấu đưa chăn nuôi chiếm 35% tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế. Để khuyến khích người dân mở rộng phát triển chăn nuôi theo hướng hanhg hoá, bên cạnh những cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay  Tỉnh  cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ, chuyển giao cho các huyện kĩ thuật tinh đông lạnh trong thụ tinh nhân tạo cho đàn bò và đàn trâu, từ đó phát triển số lượng cũng như chất lượng đàn đại gia súc và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi hàng hoá.

Hy vọng sẽ có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trâu bò được xây mới trong năm 2021

Với các cơ chế, chính sách khuyến khich của tỉnh đối với người chăn nuôi, sự hỗ trợ về khoa học kĩ thuật của các cơ quan chuyên môn từ tỉnh, đến huyện, xã và nhất là ý chí vươn lên thoát nghèo, khát vọng làm giàu của người nông dân. Chúng ta cùng chúc cho người chăn nuôi trên địa bàn cả nước nói chung và tại Hà Giang nói riêng bước sang năm mới Tân Sửu sẽ có một năm thật nhiều thuận lợi, may mắn, thịnh vượng và phát tài. Sẽ có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trâu bò được xây mới, có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và cũng sẽ có nhiều hộ vươn lên trở thành tỷ phú từ nghề nuôi trâu hàng hoá./.

Văn Thao- Hồng Quang


Ý kiến bạn đọc